SPERI LIVELIHOOD SOVEREIGNTY MECO-ECOTRA ECO-FARMING SCHOOL CO2 JUSTICE CHESH GLOBAL
Cách tiếp cận các Dân tộc vùng cao của TEW
01/01/2011
 
Với những người làm công tác phát triển thì việc tìm kiếm một phương pháp tiếp cận phù hợp nhằm giúp đỡ các cộng đồng các dân tộc cấp làng bản một cách có hiệu quả là một trong những thách thức lớn. Cách tiếp cận các cộng đồng nên nhằm giúp họ xoá đói giảm nghèo nâng cao cuộc sống song vẫn giữ được bản sắc văn hoá truyền thống của họ.
 
Qua tám năm hoạt động (1994-2001), Trung tâm Nghiên cứu Hỗ trợ Phát triển Phụ nữ Dân tộc (TEW) luôn cố gắng áp dụng quan điểm Sinh thái Nhân văn đối với đồng bào các dân tộc thiểu số.
 
Tại Việt Nam cũng như ở nhiều quốc gia khác có rất nhiều chương trình đã chưa tìm ra được cách tiếp cận phù hợp để làm việc với cộng đồng người nghèo. Thông thường những người thực hiện chương trình nghĩ rằng việc xoá đói giảm nghèo chỉ bao gồm việc cho và nhận như kiểu ban ơn. Cách nhìn nhận đó đã làm cho các chương trình xoá đói giảm nghèo đã không xuất phát từ nhu cầu thực sự của người dân mà xuất phát từ quan niệm của những người đứng ngoài cuộc, và nói chung thường là rất áp đặt. Những chương trình kiểu này đã không mang lại lợi ích thực sự cho người dân. Điều đó thường dẫn đến những tác động xấu đối với cộng đồng và khi niềm tin của người dân đã bị tổn thương thì họ luôn ở vào thế bị động. Nội lực của cộng đồng không được phát huy, người dân bị mất đi các giá trị văn hoá quý báu trong khi tài nguyên thiên nhiên vẫn bị suy kiệt.
 
Bằng kinh nghiệm thực tế, Trung tâm TEW đã nhận thấy điều này trong thời gian nghiên cứu thử nghiệm tại cộng đồng người Dao thôn Yên sơn, huyện Ba vì - một vùng ngoại ô của T.p Hà nội vào những năm 90s. Lúc đó, Việt Nam đang có sự thay đổi nhanh chóng do những chính sách mới về cơ chế thị trường. Trung tâm TEW thấy ở nhiều vùng dân tộc, phụ nữ đánh mất dần truyền thống của họ khi cơ chế thị trường xâm nhập vào các bản làng. Để khắc phục sự mất mát này, những dự án đầu tiên của Trung tâm TEW luôn chú ý tạo ra mối liên hệ bền chặt và hài hoà giữa những người phụ nữ dân tộc với môi trường tự nhiên quanh họ.
 
PRA - Phương pháp nghiên cứu đánh giá nhanh nông thôn
có sự tham gia của Cộng đồng - cũng chưa phải đã hoàn thiện
 
Trung tâm TEW và sau này là Trung tâm Nghiên cứu Sinh thái Nhân văn Vùng cao (CHESH) có một quan điểm nhất quán về phát triển nông thôn và cách thức tiếp cận người nghèo. ở Việt Nam cũng như ở bất cứ quốc gia nào khác, phát triển có quan hệ tới nhiều nhân tố kinh tế, xã hội, địa lý, môi trường và đặc biệt là tư duy của những nhà nghiên cứu và hoạch định chính sách. Nhiều người trong số họ hiện nay thường dựa vào phương pháp PRA để nghiên cứu hầu hết công việc ở nông thôn. Trong nhiều trường hợp, chúng tôi cũng sử dụng PRA, nhưng khi sử dụng, chúng tôi cũng gặp nhiều khó khăn khi làm việc với các cộng đồng dân tộc. Để hiểu được một cộng đồng phải có một quá trình làm việc với họ từ hai đến ba năm, song đối với PRA, thời gian đó chỉ là từ một đến hai tuần. Khoảng thời gian này là quá ngắn để chuẩn bị những dữ liệu chuẩn xác được dùng làm cơ sở cho một chương trình kéo dài vài năm hoặc có thể hơn. Vì vậy, khi sử dụng PRA các nhà nghiên cứu, những người làm công tác phát triển và hoạch định chính sách cần hết sức thận trọng và sáng tạo.
 
Trung tâm TEW đã áp dụng phương pháp PRA cho hơn 100 làng của ít nhất 14 nhóm dân tộc khác nhau trong cả nước và đặc biệt đã làm việc với cộng đồng người Dao ở Ba Vì gần 10 năm. Chúng tôi luôn luôn tiến hành PRA trên cơ sở vận dụng quan điểm sinh thái nhân văn: coi trọng mối quan hệ giữa các giá trị nhân văn và hệ sinh thái, nơi cộng đồng đang sinh sống. Mối quan hệ này được xem như là sợi dây kết nối tất cả các chiến lược và hoạt động phát triển. Lịch sử phát triển của cộng đồng được xem như là kết quả lâu dài của những mối tác động qua lại biện chứng giữa các yếu tố nhân văn và môi trường diễn ra theo một hình xoắn trôn ốc.
 
            Tiếp cận cộng đồng trên cách nhìn Sinh thái Nhân văn
 
Sinh thái Nhân văn nhìn nhận phát triển trên quan điểm cân bằng tự nhiên giữa hệ nhân văn và hệ sinh thái và tôn trọng qui luật thiên thiên - Hệ nhân văn được mô phỏng qua ba vòng cấu trúc.
 
Vòng Trung tâm  gọi là nhân giá trị của hệ nhân văn, được mô phỏng như là phần nhân của tế bào cơ thể sống. Nhân giá trị của hệ nhân văn bao gồm niềm tin, tín ngưỡng và những qui định về chuẩn mực đạo đức của hệ nhân văn.
 
Vòng giữa là vòng cấu trúc cộng đồng, được mô phỏng như là phần tế bào chất, nơi nuôi dưỡng nhân giá trị của hệ nhân văn. Cấu trúc cộng đồng bao gồm các phong tục, tập quán truyền thống của cộng đồng, có chức năng duy trì sự sống còn của các niềm tin, tín ngưỡng và các chuẩn mực đạo đức của cộng đồng.
 
Vòng ngoài là những biểu hiện bên ngoài của văn hoá, được mô phỏng như là màng bọc tế bào. Những biểu hiện bên ngoài của văn hoá là những sinh hoạt hàng ngày của cộng đồng như các kiểu dáng nhà cửa, kiểu thờ cúng, kiểu ăn, mặc, ở, cách giao tiếp với bên ngoài, các biểu hiện bề ngoài này thay đổi tuỳ theo đặc thù của từng vùng thiên nhiên do quá trình lao động, sáng tạo và thích nghi theo thời gian và quá trình di chuyển của cộng đồng.
 
Tương tự trong một hệ sinh thái, có các sinh vật Trung tâm (Central Biomas) qui định tính đặc thù của hệ sinh thái, sinh vật Trung tâm là chỉ số quyết định sự khác nhau giữa hệ sinh thái này và hệ sinh thái khác. Xung quanh sinh vật Trung tâm, nếu một hệ sinh thái còn giữ được tính đa dạng sinh học cao, hệ sinh thái sẽ bền vững, có nghĩa là hệ sinh thái đó có nhiều sinh vật thứ cấp (sinh vật phụ - SubBiomas) bậc 1, bậc 2, bậc 3, bậc 4, v.v... Các sinh vật thứ cấp theo hệ thống thứ bậc như vậy được mô phỏng như là các vòng sinh thái bậc 1,2,3,4,v.v....
 
Giữa sinh vật Trung tâm  và các sinh vật thứ cấp bậc 1,2,3,4,v.v... đều có sự tương tác lẫn nhau, và trong cùng một thứ bậc, các thành phần trong hệ luôn luôn tự canh tranh để thống nhất và cùng tồn tại.   
                     
Ví dụ hệ Sinh thái Nhân văn Ôn ốc, xã Mường Lựm, huyện Yên châu, tỉnh Sơn La là hệ Sinh thái điển hình về quan hệ biện chứng giữa nhân giá trị của hệ nhân văn và sinh vật Trung tâm  của hệ Sinh thái.
 
Nhân giá trị của cộng đồng H’mông ở đây là niềm tin vào thần tổ tiên của từng dòng họ và thần thiên nhiên của cả bản làng. Từ niềm tin này mà trong từng dòng họ và cả cộng đồng đã hình thành nên những luật tục, qui định những chuẩn mực đạo đức trong cộng đồng để duy trì niềm tin trong dòng họ và niềm tin trong cộng đồng về thần tổ tiên và thần thiên nhiên. Những luật tục qui định về các chuẩn mực đạo đức trong dòng họ, trong cộng đồng được mọi thành viên trong dòng họ, trong cộng đồng tự nguyện và thành tâm duy trì trong cuộc sống hàng ngày của họ.
 
Đối với niềm tin vào thần tổ tiên, có tục trưởng họ. Trưởng họ là người có hiểu biết tốt nhất về tổ tiên, tông tích của dòng họ, biết cúng những bài vị của tổ tiên truyền lại từ đời trước. Mọi diễn biến về đạo đức, tư tưởng, và những sinh hoạt trong đời sống vật chất và tinh thần của dòng họ đều được bàn bạc dân chủ trong họ và quyết định cuối cùng là trưởng họ, ví dụ việc ma chay, cưới xin, quan hệ đối ngoại, đối nội, các lễ hội cúng đơm, thưởng, phạt đều phải qua quyết định của trưởng họ trong dòng họ đấy. Luật của dòng họ qui định người cùng họ luôn luôn phải đối xử với nhau như anh em một nhà và không được lấy nhau. Niềm tin vào thần tổ tiên đã giúp cho dòng họ xây dựng nên luật trưởng họ trong cấu trúc các dòng họ trong cộng đồng. Luật dòng họ là chuẩn mực qui định về những biểu hiện ra bên ngoài của hệ nhân văn là anh em trong họ không được lấy nhau, và đối xử với nhau như anh em trong một nhà.
 
Niềm tin vào thần thiên nhiên của cộng đồng đã qui định những chuẩn mực đạo đức trong cộng đồng thông qua luật độc quyền của già làng, cấu trúc truyền thống "Nào Sòng". Già làng trong cộng đồng là người có uy tín nhất làng, là người hiểu biết về những giá trị truyền thống của cộng đồng H’mông, là đại diện tinh thần và tối cao trong cộng đồng. Niềm tin vào thần thiên nhiên đã hình thành nên cấu trúc truyền thống “ Nào Sòng”, nơi các già làng thuộc các bản làng khác nhau bàn về chiến lược và các qui chế bảo vệ tài nguyên thiên nhiên cho từng cộng đồng. Luật độc quyền của già làng trong cộng đồng và cấu trúc truyền thống “ Nào Sòng” đã giúp cho cộng đồng H’mông bản Ổn ốc duy trì được những hành vi cử xử của mọi thành viên trong cộng đồng đối với cánh rừng Samu của chính phủ không bị tàn phá bởi người ngoài.
 
Qua đây chung ta thấy mối quan hệ giữa nhân giá trị của hệ nhân văn, cấu trúc cộng đồng và những biểu hiện bên ngoài của cộng đồng và hệ sinh thái - rừng Samu có mối liên hệ tương tác và ràng buộc lẫn nhau, hỗ trợ nhau cùng phát triển trong quá trình sống, lao động, sáng tạo và thích nghi.
 
Niềm tin của cộng đồng là động lực thúc đẩy cộng đồng H’mông duy trì được các luật tục truyền thống. Thông qua luật tục truyền thống của cộng đồng, giáo dục được cho các thế hệ trẻ không đánh mất các biểu hiện bên ngoài, những hành vi cư xử có văn hoá của mọi thành viên trong cộng đồng đối với khu rừng Samu nơi họ sống. Niềm tin củng cố được các giá trị về chuẩn mực đạo đức thông qua cấu trúc truyền thống của cộng đồng, mà vai trò già làng là người quyết định.
 
Càng gần càng tốt- đó là cách thức chúng tôi làm việc với cộng đồng
trước khi tác động tới nó
 
Khi bắt đầu làm việc với cộng đồng, chúng tôi cố gắng càng gần người dân càng nhiều càng tốt. Tôn trọng tập quán và tín ngưỡng của họ, hoà nhập với người dân một cách chân thành để xây dựng tình cảm va tạo niềm tin, đó là cơ sở xây dựng quan hệ lâu dài. Khi chúng tôi tự thấy đã tiếp cận được vấn đề, chúng tôi cố gắng cùng họ tìm cách tháo gỡ các khó khăn. Sau đó chúng tôi sẽ xem xét liệu kỹ thuật bản địa và kiến thức sẵn có của cộng đồng có thể đưa ra một giải pháp cho vấn đề hay không.
 
Tiếp đó chúng tôi phát triển mô hình thử nghiệm để tìm ra kiến thức và cách tiếp cận phù hợp với công việc. Thường chúng tôi cố gắng dựa vào kiến thức bản địa và chỉ áp dụng công nghệ bên ngoài khi thấy cần thiết và được họ chấp nhận. Thông thường phải củng cố kỹ thuật bản địa cho phù hợp. Ví dụ, ở nhiều vùng của Việt Nam, hệ thống canh tác nông nghiệp truyền thống thường rất bền vững qua nhiều thế hệ và có những giá trị nhất định không thể bỏ qua, nhưng dân số tăng nhanh đã làm cho các cộng đồng dân tộc sa vào tình trạng khó khăn. Mục đích của chúng tôi là lồng ghép từng bước kiến thức bản địa và công nghệ bên ngoài nhằm giúp người dân dễ dàng thực hiện và quản lý.
 
Xây dựng lực lượng Nông dân Nòng cốt
là biện pháp chủ chốt dẫn đến thành công
 
Những nông dân nòng cốt và những điều phối viên cấp thôn bản mà chúng tôi đang cùng làm việc là hạt nhân chủ chốt trong cách tiếp cận. Những người này có vai trò rất quan trọng, được dân bản và chúng tôi chọn lựa cẩn thận. Thông thường chúng tôi có một hoặc hai nhân viên nòng cốt cho mỗi thôn. Họ là những người hăng hái nhiệt tình, rất mong muốn làm việc vì cộng đồng. Cùng với những nông dân nòng cốt họ phải được đào tạo và bồi dưỡng về những lĩnh vực mang tính đặc thù như: hỗ trợ họ các cơ hội tham quan, trao đổi kinh nghiệm với các dân tộc anh em về các lĩnh vực phát triển sản xuất, nâng cao đời sống như: tiết kiệm, tín dụng, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi,v.v... Trong quá trình tiếp cận các nông dân nồng cốt, chúng tôi luôn chú ý đến những giá trị của cộng đồng như tình tương thân tương ái, tinh thần cộng đồng trong áp dụng việc triển khai các hoạt động của dự án. Xây dựng lực lượng này mục đích cuối cùng của chúng tôi là giúp cộng đồng có được những người đạt được vốn tri thức cần thiết để tự phân tích và hình thành các giải pháp đối với các vấn đề của chính họ.
 
Cách tiếp cận đối với sự phát triển và quản lý nguồn tài nguyên bền vững cấp làng bản là chiến lựợc nhằm xoá đói giảm nghèo và bảo vệ quyền lợi chính đáng và lâu dài của những người nghèo thuộc cộng đồng các dân tộc. Chiến lược này không chỉ giúp người nghèo cải thiện điều kiện sống mà còn giúp họ phát triển và duy trì bản sắc văn hoá, nâng cao tính chủ động của họ trong việc quản lý tài nguyên thiên nhiên và quản lý cộng đồng.
TEW-2001
In bài viết Bookmark and Share Quay lại
Tin khác
 Phụ nữ Kim Hoá, Tuyên Hoá (Quảng Bình) xây dựng Quỹ Tiết kiệm- Tín dụng bền vững
 Sinh thái Nhân văn Sinh học và Giảm nghèo Cấu trúc
 Chín bước tiếp cận phát triển cộng đồng các tộc người thiểu số trong lưu vực Mekong

Video
Một Bhutan thứ hai, một sáng tạo phẩm từ Thiên nhiên và Con người Kon Plong còn sót lại trên hành tinh
10-28-2021 - 03:10:19
Video khác »
Tài liệu
Hệ thống cảnh báo CENDI
Tải về | Chi tiết
Quy trình làm nước rửa bát từ quả Khế
Tải về | Chi tiết
Quy Trình Chế Biến Phân Bón Hữu Cơ (EM)
Tải về | Chi tiết
Tài liệu khác »
ĐỐI TÁC
MECO-ECOTRA
- Niềm tin
- Chủ quyền tự nhiên
- Sáng kiến bản địa
- Hành động liên thế hệ
Giáo trình Đào tạo
- Triết lý đào tạo
- Kỹ năng cơ bản
- Kỹ năng nâng cao
- Kỹ năng thúc đẩy
Tính Bền vững
- Quản trị cộng đồng
- Quản trị gia đình
- Quản trị FFS
- Quản trị liên cộng đồng
Vốn Văn hóa Sinh thái
- Tổng quan
- Hồ sơ già làng
- Hồ sơ cây bố-mẹ
- Rừng tâm linh cộng đồng
Mô hình đào tạo
- Sơ đồ các mô hình đào tạo nông nghiệp sinh thái
- Mô hình cấp gia đình
- Mô hình cộng đồng
- Mô hình cấp vùng
12C Đường Phạm Huy Thông, Quận Ba Đình, T.P Hà Nội  *  Tel: +84-(0)4-3771 7367  *  Fax: +84-(0)4-3771 5691  *  Email: speri@speri.org
văn phòng phẩm: FFS
Online: 8   -   Visited: 1792261